Vì sao nhân sự tân Chủ tịch nước là 1 trong 3 nội dung trọng tâm của Hội nghị Trung ương 10?

Ngày 18/9, Hội nghị Trung ương 10, Khóa 13 đã diễn ra sớm hơn thông lệ với thời gian ngắn hơn dự kiến. 1 trong 3 nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương lần này là công tác nhân sự. Đáng chú ý, Trung ương Đảng có lẽ sẽ giới thiệu chức danh Chủ tịch nước, để kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15 phê chuẩn.

Ngay sau khi Kỳ họp bất thường lần thứ 8 của Quốc hội Khóa 15 kết thúc, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã đưa ra thông báo, Quốc hội sẽ bầu lại chức danh Chủ tịch nước tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới đây.

Ông Tô Lâm hiện đang giữ 2 chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, như vậy, việc Quốc hội sẽ bầu lại nhân sự Chủ tịch nước cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam sẽ quay trở lại với bộ tứ quyền lực hàng đầu, với tên gọi “Tứ trụ” như trước đây.

Điều đó đồng nghĩa với sự thất bại của ông Tô Lâm, cũng như phe cánh, trong nỗ lực kiểm soát toàn diện bộ máy Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như Quốc hội. Việc phải bàn giao lại chức Chủ tịch nước, là điều ông Tô Lâm hoàn toàn không muốn.

Một lần nữa, chức danh Chủ tịch nước Việt Nam là chiếc ghế “nóng”, có dớp, chưa ngồi nóng ghế đã sớm gãy là điều có thật. Trong vòng chưa đầy 2 năm, đã có 2 Chủ tịch nước phải ra đi, đây là điều vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm không tiếp tục kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước như tính toán ban đầu, đây là vấn đề đã từng có tiền lệ. Cuối năm 2018, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm ghế Chủ tịch nước, theo mô hình nhất thể hóa 2 chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước của Trung Quốc.

Nhưng ông Tô Lâm khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an đã “rốt ráo” thâu tóm quyền lực trong bộ máy Đảng cũng như Nhà nước. Thông qua việc loại bỏ các đối thủ là ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Tổng Bí thư, bất kể là các nhân sự được cố Tổng Bí thư Trọng tín nhiệm, hay đe dọa bắt bớ đối với các lãnh đạo cấp ủy viên Trung ương có thái độ không đồng tình.

Điều đó đã khiến số đông tập thể Bộ Chính trị, và Ban Bí thư càng nỗ lực đòi hỏi phải duy trì nguyên tắc “phân quyền” trong tổ chức. Lý do là tránh để tập trung quyền lực quá lớn vào một tay cá nhân ông Tô Lâm, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng độc đoán, độc tài trong Đảng, trái với tinh thần tập thể lãnh đạo.

Vậy ai sẽ là người thay cho ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước? Theo giới phân tích đánh giá, Đại tướng Lương Cường là ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí này, đồng thời vị trí này sẽ là bước đệm, để ông Lương Cường đua tranh chức Tổng Bí thư cùng ông Tô Lâm tại Đại hội Đảng 14.

Đáng chú ý, Đại tướng Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư dù không còn phục vụ trong quân đội, nhưng vẫn được đánh giá là người đại diện cho lợi ích của phe quân đội trong Bộ Chính trị.

Cụ thể, thành viên Bộ Chính trị hiện có 15 ủy viên, trong đó có 6 nhân sự xuất thân từ công an, trong khi chỉ có 3 ủy viên xuất thân từ quân đội. Đây là điều đã khiến cho một bộ phận chiếm số đông trong giới chức tướng lĩnh quân đội hết sức không đồng tình.

Đây là giải pháp “rút củi đáy nồi” nhằm giải tỏa dư luận, về sự lấn lướt quyền lực của ông Tô Lâm, đã phá vỡ sự cân bằng quyền lực giữa công An và quân đội.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thấy rằng, phe quân đội có thể châm chước, hay bỏ qua khi Tổng Bí thư Tô Lâm chịu lui bước. Nhưng Ban lãnh đạo Bắc Kinh chắc chắn sẽ không buông tha những kẻ cứng đầu như Tô Lâm.

 

Trà My – Thoibao.de