Vì sao khó có thể hy vọng, Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, vào tháng 7 tới?

Nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và đầy đủ theo tiêu chuẩn của phương Tây và Hoa Kỳ, đó là, không có sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế và xã hội. Bởi điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.

Theo giới chuyên gia, trong một nền kinh tế thị trường, những lĩnh vực tư nhân có thể đảm trách, thì nhà nước không tham gia.

Báo Người Việt ngày 8/5 đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét để công nhận Việt Nam là “nền kinh tế thị trường’”. Bản tin cho hay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 8/5 đã nhóm họp, nghe các bên điều trần, để đi đến quyết định có công nhận Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” hay không? Nội dung cuộc họp này sẽ là một phần của kết luận đánh giá vào cuối tháng 7/2024 tới đây.

Giới lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần đề nghị, Hoa Kỳ và phương Tây công nhận Việt nam có nền kinh tế thị trường. Mục đích, hy vọng Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi của tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO). Nhưng, khổ nỗi, mãi mà Hoa Kỳ và các nước phương Tây vẫn không chịu thừa nhận.

Được biết, ngay sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào trung tuần tháng 9/2023, khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất – “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, vào tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du Hoa Kỳ, đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường” cho Việt Nam. Và Việt Nam đã được phía Mỹ hứa hẹn là sẽ xem xét.

Theo quy định của luật pháp nước Mỹ, quá trình xem xét sẽ được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức là, vào khoảng giữa tháng 7/2024 tới đây, Việt Nam sẽ nhận được câu trả lời từ Mỹ.

Việc Việt Nam bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách “12 nền kinh tế phi thị trường”, trong đó có cả Nga, Trung Quốc và một số quốc gia có hơi hướng độc tài. Điều đó đã khiến Việt Nam liên tục gặp bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ, với lý do “có sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế”.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các công ty sản xuất thép và các doanh nghiệp sản xuất tôm tại Mỹ, không ủng hộ việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, các hãng bán lẻ và nhiều nhóm doanh nghiệp khác lại ủng hộ. Khi so sánh với Thái Lan – một quốc gia có nền kinh tế thị trường, thì mức thuế của Mỹ áp với tôm đông lạnh chỉ là 5.34%. Trong khi, cũng mặt hàng này, Việt Nam phải chịu thuế suất gấp gần 5 lần, lên tới 25.76%.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại giữa 2 nước tăng gần 300 lần, đến cuối 2023 đã đạt doanh số 111 tỷ USD.

Theo giới quan sát, dường như nhà nước Việt Nam và người đứng đầu Chính phủ là ông Phạm Minh Chính, liên tiếp có những phát biểu và hành động phớt lờ những điều cấm kỵ đối với một nền kinh tế thị trường, theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ – đó là sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.

Không chỉ là vấn đề trước đây, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều kinh doanh lỗ lã triền miên, không tương xứng với số vốn và tài sản mà nhà nước bỏ ra. Hay mới nhất, việc nhà nước can thiệp vào thị trường vàng là một bằng chứng không thể chối cãi.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà nước Việt Nam muốn đồng hành, muốn dựa vào thị trường, nguồn vốn và công nghệ từ Hoa Kỳ, để phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ cao. Bắt buộc, Việt Nam phải thể chế hóa nền kinh tế, để trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, theo đúng các tiêu chí của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Nói rõ hơn, đó là, các quốc gia có nền chính trị độc đoán như Việt Nam, không tuân thủ nghiêm ngặt, đúng và đủ khái niệm kinh tế thị trường, thì lập tức bị đưa vào danh sách “nền kinh tế phi thị trường”. Cho nên, công luận cho rằng, việc hy vọng Bộ Thương mại Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là “nền kinh tế thị trường”, trong tháng 7/2024 tới đây, chỉ là một mơ ước hão huyền./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023