Càng muốn thoái lui, bà Trương Thị Mai càng bị đẩy lên đỉnh quyền lực, cơ hội hay ác mộng?

Bà Trương Thị Mai là người trưởng thành từ cán bộ Đoàn. Mà thông thường, những người trưởng thành từ Đoàn đội là những người được người khác nâng đỡ, ít có cơ hội tạo dựng vây cánh vững mạnh cho mình. Ông Võ Văn Thưởng cũng từ đi lên từ cán bộ Đoàn, mặc dù ông lên được đến chức Chủ tịch nước, nhưng vây cánh của ông không mạnh.

Bà Trương Thị Mai bắt đầu nổi lên từ khi tham gia vào Ban Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, nhiệm kỳ 2016 – 2021, với chức Trưởng ban Dân vận Trung ương. Đến Đại hội 13, bà được ông Trọng tín nhiệm, giao cho chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương mà ông Phạm Minh Chính để lại.

Bà Mai được ông Tổng tín nhiệm, không phải vì bà giỏi giang hơn, được việc hơn người khác, mà vì bà được đánh giá là trong sạch và dễ bảo, phù hợp với các tiêu chí mà ông Tổng đưa ra và đã được luật hóa. Chính vì thế, sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa, ông Võ Văn Thưởng được đẩy lên làm Chủ tịch nước, thì ông Trọng giao luôn trọng trách Thường trực Ban Bí thư cho bà Mai. Từ đó, bà Mai kiêm luôn 2 chức vụ.

Cũng chính vì thế mà bà Trương Thị Mai đã tiến thân thần tốc, trong bối cảnh Bộ Chính trị gục ngã như ngả rạ. Điều đáng nói là, những kẻ bị gục đều là những nhân vật được cho là “cứng cựa” hơn bà trên chính trường. Bà liên tục bị đẩy lên những nấc thang quyền lực cao hơn, ngay giữa cơn siêu bão trên chính trường.

Tại cuộc họp bất thường của Bộ Chính trị hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, bà Trương Thị Mai xin nghỉ hưu, nhưng không được ông Trọng và Bộ Chính trị chấp nhận. Có lẽ, sau khi Võ Văn Thưởng ngã ngựa và Tô Lâm tạo phản, ông Trọng cần bà Mai ở lại, để ít nhất, giữ ghế không cho phe Tô Lâm nhảy vào tranh đoạt. Lúc đó, Tô Lâm đang đòi ghế Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho Nguyễn Duy Ngọc.

Sự nghiệp chính trị của bà Mai được xem như là “phép màu”, giữa bão tố chính trường mà bà lại cứ thăng tiến vù vù, mặc dù thế và lực của bà được xem là “yếu” nhất trong số 5 nhân vật chủ chốt. Ban đầu là ghế Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sau đó, bà kiêm luôn ghế Thường trực Ban Bí thư. Trong 3 năm, bà lên 2 chức, một tốc độ tiến thân rất “thần tốc”.

Chưa dừng ở đó, theo nguồn tin mà Thoibao.de nhận được, tại kỳ họp bất thường của Bộ Chính trị ngày 25/4, một lần nữa, bà Mai được giới thiệu vào ghế Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, bà Mai đã không muốn nhận chức này, và nguồn tin cho biết thêm, bà dọa sẽ “nộp đơn từ chức”.

Như vậy, rõ ràng, bà Mai không muốn tiến thân, bà chỉ muốn thoái lui giữa cơn sóng cồn, nhưng thời thế lại cứ đẩy bà lên. Hiện tượng kỳ quái này đúng là chỉ có thể xảy ra trong thể chế độc tài, độc đảng như Việt Nam.

Bà Mai thật sự muốn thoái lui, có lẽ vì bà ngửi thấy mùi “sát khí” nặng nề trong Bộ Chính trị. Bởi chưa bao giờ, Tô Lâm lại mạnh tay, bất chấp, và manh động, như lúc này. Nếu cường độ của cuộc đấu đá cứ đẩy lên, thì không loại trừ khả năng, các “đồng chí” trong Đảng lại dùng những thủ đoạn thâm hiểm nhất, đấy là thuốc nhau. Liệu rằng, một người hiền lành như bà Mai có chịu nổi cảnh tranh đấu khốc liệt như thế hay không?

Dù trên bàn cân, bà Mai không gặp nguy hiểm nhiều bằng các vị lãnh đạo khác, bởi cả hai phe đều thấy an tâm hơn với bà, vì bà không tranh quyền đoạt vị, không phải là mối nguy đối với họ.

Nhưng dù sao, giữa một rừng gươm giáo đang quay cuồng đâm chém loạn xạ, thì ai dám bảo đảm bà không bị tai bay vạ gió? Đến lúc đó, cơ hội lại biến thành ác mộng. Bà Trương Thị Mai đang ở vào thế kẹt, muốn rút lui cũng không được, mà các bên càng chiến nhau dữ dội, bà lại càng bị đẩy lên cao hơn.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023