Hiện giờ Đảng không còn gì ngoài hỗn loạn

Ngày 29/4, VOA Tiếng Việt có bài “Công cuộc “đốt lò”: ông Tô Lâm là người thắng cuộc?”

VOA dẫn lời Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, nhận định:

“Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại.”

VOA cho hay, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được xem là người hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đốt lò của ông Trọng, khi Bộ Công an của ông đã phanh phui và khởi tố nhiều vụ việc của các doanh nghiệp, mà sau đó dẫn đến những cú rớt đài của các ông Phúc, Thưởng và Huệ, mặc dù Đảng không nói rõ sai phạm của các ông này là gì.

Giáo sư Abuza Zachary cho rằng, ông Tô Lâm “rõ ràng là người chiến thắng trong công cuộc chống tham nhũng”, khi đã đẩy lùi các đối thủ có khả năng lên kế nhiệm ông Trọng vào năm 2026.

“Ngay lúc này, chỉ còn 2 ứng cử viên có đủ điều kiện (lên thay ông Trọng) theo quy chế hiện hành của Đảng (ngoài ông Tô Lâm). Đó là ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng) và bà Trương Thị Mai (Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương). Nhưng ông Tô Lâm nắm rất nhiều thóp của ông Chính, người cũng bị những cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu.”

Theo Giáo sư Abuza, ông Trọng “đã cưỡi lên lưng cọp”.
“Ông Tô Lâm là vũ khí tấn công của ông [Trọng]. Nhưng trong khi tiến hành, ông [Tô Lâm] đã lợi dụng việc đốt lò để từng bước hạ từng đối thủ một, bao gồm cả người được ông Trọng đỡ đầu như ông Vương Đình Huệ.”
“Tôi không nghĩ là ông Trọng có thể dừng đốt lò lúc này, nếu như ông ấy muốn. Ông ấy có thể bắt Tô Lâm dừng lại, nhưng sẽ khó mà đạo diễn, và tôi không chắc ông Trọng có muốn dừng hay không.”
Nhận định về ông Vương Đình Huệ, Giáo sư Abuza Zachary cho rằng, “rõ ràng ông ấy được bồi dưỡng để lên nắm vị trí cao nhất, với rất nhiều kinh nghiệm trong cả Đảng và Chính phủ”.
“Ông ấy thể hiện tham vọng rất rõ ràng và mong muốn leo lên vị trí cao nhất, đó là lý do tại sao ông ấy tự tin thái quá trong vai trò của ông ấy (Chủ tịch Quốc hội).”
Ông Abuza nhận định rằng, chuyến công du vừa qua của ông Huệ cho thấy, Bắc Kinh “đặt cược rằng, ông Huệ sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Việt Nam, và các lãnh đạo của họ đã bỏ thời gian ra để gặp ông Huệ”.
Về tình hình nội bộ Đảng hiện nay, sau những cú sốc liên tiếp, Giáo sư Abuza cho rằng, đang “hỗn loạn”, với 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng, và 2 ghế Tứ trụ đang để trống.
Công cuộc đốt lò vốn có mục đích lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng, thì nay lại “phơi bày trần trụi tình trạng tham nhũng hoành hành đến mức nào, ngay ở cấp cao nhất của Đảng”.
“Tôi nghĩ công cuộc đốt lò đã làm mất mặt mũi của Đảng (trong mắt người dân)”,
Giáo sư Abuza Zachary nói thêm.
Về tình hình đất nước, ông Abuza cho rằng “hiện giờ không có gì ngoài bất ổn” trong khi “một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là ổn định chính trị”.
Ông cũng cho rằng, tình hình “sẽ không sớm ổn định trở lại”, và sẽ không ngoa khi nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đang trải qua “khủng hoảng lãnh đạo” “đấu đá nội bộ đã trở thành rào cản lớn của Đảng”.
Theo phân tích của ông, khi Đảng kiếm người để thế vào 2 ghế bị trống (mà bà Mai là một ứng cử viên), thì Đảng phải tìm người thay thế 2 vị trí của bà Mai là Thường trực Ban Bí thư và Trưởng ban Tổ chức Trung ương – vốn có vai trò quan trọng trong cơ cấu của Đảng.
Chức Thường trực Ban Bí thư xử lý công việc hàng ngày của Đảng, trong khi chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương lo cất cử nhân sự vào các vị trí từ cấp trung cho đến cấp cao, Giáo sư Abuza Zachary chỉ ra.

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023