Vì sao giá vé máy bay nội địa quá cao, và trách nhiệm của Thủ Chính?

Các đợt nghỉ lễ dài ngày là cơ hội để mọi người và mọi gia đình đi du lịch trong và ngoài nước. Nhưng năm nay, các tuyến bay nội địa đã tăng giá vé lên cao, ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng nhu cầu du lịch của người dân.

Trong khi, các tour du lịch đi miền Bắc có giá thấp nhất là 10 triệu đồng, thì giá tour đi Thái Lan trọn gói chỉ hơn 7 triệu đồng. Đây là một trong các lý do khiến nhiều du khách Việt Nam quyết định “quay xe”, nói không với du lịch nội địa. Điều đó đã ảnh hưởng không ít đến tình hình du lịch nội địa, cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đã rất bết bát.

Báo Tuổi Trẻ ngày 24/4 loan tin, “Giá vé máy bay nội địa quá cao, vì sao?”. Bản tin cho biết, không chỉ vào các kỳ nghỉ lễ, thời gian gần đây, giá vé máy bay nội địa luôn neo ở mức cao, gấp từ 2 đến 3 lần so với trước. Thậm chí, có thời điểm, giá vé máy bay nội địa ngang với giá tour đi Thái Lan.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một Tổng Giám đốc của một hãng bay, cho biết, nguyên nhân giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam cao, là do đặc thù của ngành hàng không có nhiều giao dịch với các hãng nước ngoài, từ bảo trì dịch vụ, mua sắm tàu bay, thuê tài sản, thuê máy bay, thuê phi công, đến việc mua xăng… đều chi trả bằng USD. Trong khi, tỷ giá USD đã tăng mạnh thời gian gần đây.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc giá vé máy bay nội địa tăng quá cao, là do thiếu sự liên kết giữa ngành hàng không và ngành du lịch, cũng như chưa nhận được sự hỗ trợ trong các chính sách về thuế, phí… từ Chính phủ.

Trong khi, đầu tháng 4/2024, Chính phủ Thái Lan đã quyết định hỗ trợ các hãng bay, giảm từ 3,8 – 14% giá vé với một số tuyến nội địa, trong dịp lễ hội té nước năm mới Songkran. Đồng thời, các hãng bay nội địa của Thái Lan cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, thậm chí giảm từ 15 đến 20% giá vé, nhằm thu hút khách du lịch từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam… sang Thái Lan, trong mùa lễ hội này. Việc thu hút một lượng khách nhiều nhất có thể sang Thái Lan du lịch, là chiến lược mà ngành du lịch quốc gia này nhắm đến.

Các chuyên gia khẳng định, xu hướng tới đây, giá vé máy bay toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng so với trước, chủ yếu là do thiếu hụt máy bay, giá nhiên liệu và tỉ giá tăng cao, thiếu hụt nhân sự…

Bình luận về nguyên nhân khiến giá vé nội địa của các hãng hàng không Việt Nam tăng cao, nhà báo Vũ Kim Hạnh – cựu Tổng Biên tập của báo Tuổi Trẻ, trong bài viết “Các hãng bay thế giới canh tranh sít sao về giá vé”, đăng trên trang website của nhà báo Vũ Kim Hạnh (vukimhanh.com), cho biết:

“Sau con số 18 triệu khứ hồi ám ảnh, tôi tìm hiểu tiếp giá vé các hãng về các đường bay liên quan… thì đây, 18 triệu đồng là giá vé khứ hồi London – thành phố Hồ Chí Minh tháng 6 tới, bay với hãng China Southern Airlines, và dĩ nhiên phải quá cảnh.

Turkmenistan Airlines là cái tên hàng không khá lạ lẫm (nước này trước thuộc Liên Xô cũ). Hãng bay này vừa đưa ra giá cũng khá lạ lẫm  nữa: 540 USD (13,7 triệu đồng) cho vé khứ hồi từ thành phố Hồ Chí Minh đến các điểm ở châu Âu, như London, Milan, Frankfurt…”.

Theo tác giả, giá vé này chỉ bằng 30 – 50% giá vé của các hãng Việt Nam. Đây là giá vé mang yếu tố “thay đổi cuộc chơi” của ngành du lịch lữ hành, khi giá tour châu Âu bị kéo tụt từ 70 -80 triệu đồng, xuống còn ngưỡng thấp 40 – 50 triệu đồng. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường hàng không thuộc top 20 của thế giới. Hai hãng VietJet Air và Vietnam Airlines xếp thứ 3 trong khu vực về năng lực bay…

Nhưng yếu tố thay đổi cuộc chơi, tức là cạnh tranh về giá, nhà báo Vũ Kim Hạnh đã cảm thán, chua xót cho rằng, hầu như các hãng Việt Nam đang… tự do nhất thế giới: Không sợ người tiêu dùng than van, không sợ kinh doanh thua lỗ, vì lỗ luôn có sẵn nơi bù.”

Trong khi, trên thực tế, ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ hay các nước EU, việc định giá vé máy bay thường phải do sự kết hợp giữa khung pháp lý mạnh mẽ, thị trường cạnh tranh, và mô hình kinh doanh hàng không sáng tạo.

Như vậy, đến lúc cần đặt lại vấn đề chính sách về giá, cũng như tính minh bạch của ngành hàng không Việt Nam.

Một điều đắng cay là, đáp trả chính sách định giá vé tự do, tùy tiện, du khách trong nước và quốc tế đã quyết định không sử dụng dịch vụ của máy bay Việt Nam Airlines, mà dùng các hãng bay quốc tế, hoặc đi tàu hỏa, đường bộ. Nhưng cuối cùng, người Việt vẫn phải móc túi ra đóng thuế, bù lỗ cho hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Airlines dài dài./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023