Không thể tin: Năm 2023, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội?

Trong nhiều năm gần đây, đã xảy ra khá nhiều vụ án oan sai. Có nhiều vụ án oan đã từng được Tòa án thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Nhiều trường hợp đã được minh oan, các cơ quan tư pháp đã công khai xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân.

Tình trạng án oan ở Việt Nam mặc dù không phải là phổ biến, song cũng không phải là không có. Đó là lý do, ngày 27/3, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, đã yêu cầu ngành Tòa án phải thận trọng trong xét xử, không được để xảy ra oan sai.

Hiện vẫn còn nhiều vụ án kêu oan hàng chục năm qua, nhưng không được chính quyền giải quyết, điển hình như hai vụ án tử hình oan sai nổi tiếng, là Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, khiến dư luận hết sức bức xúc.

VietNamnet ngày 15/10 đưa tin với tiêu đề, “Ông Nguyễn Hòa Bình: Năm 2023, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội”.

Bản tin cho biết, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, về công tác của các tòa án trong năm 2023. Theo đó, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Trong năm 2023, các vụ án hình sự đã được xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.”

“So với năm 2022, số vụ việc đã thụ lý tăng; song tỷ lệ các bản án do nguyên nhân chủ quan của tòa thấp hơn năm trước và đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).”

Phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình, người đứng đầu ngành Tòa án Việt Nam, khiến công luận nhớ tới việc, vào trung tuần tháng 9/2023, ông Bình nói rằng, Nghị quyết của Quốc hội cho phép 1,5% tổng số các vụ án, tức là khoảng 9.000 vụ án, được phép sai do lỗi chủ quan.

Ông Nguyễn Hòa Bình còn đưa ra biện minh rằng, nếu cứ sai là bị kỷ luật hết, thì không lấy đâu ra người làm việc!

Câu nói của ông Bình không chỉ gây bất bình trong dư luận về sự vô trách nhiệm, mà còn cho thấy, những người cầm cân nảy mực trong ngành tòa án được cấp cao nhất “bật đèn xanh” – được phép sai sót – là điều rất nguy hiểm. Bởi như vậy thì người dân biết tìm hay đòi công lý ở đâu?

Theo giới luật sư, về mặt lý luận hay về mặt nguyên tắc, thì phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình đều hoàn toàn sai. Bởi đã xử án thì phải bảo đảm đến mức tuyệt đối chính xác, không cho phép có oan sai.

Đằng này, người đứng đầu ngành Tòa án Việt Nam lại đặt ra định mức cho phép oan sai, có nghĩa, dù quan tòa gây ra án oan sai, nhưng dưới định mức, thì coi như hoàn thành tốt nhiệm vụ hay sao?

Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới các bản án oan, theo Luật sư Lê Văn Hoà, người từng mang hàm Vụ trưởng một vụ thuộc Ban Nội chính Trung Ương, cho biết, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ án oan là do yếu tố con người. Mà mẫu số chung của đa số các vụ án oan sai tại Việt Nam, là bị can bị tra tấn, bức cung, kể cả nhục hình, từ cán bộ công an trong quá trình điều tra.

Khi chịu các áp lực về thành tích, về tiến độ điều tra, khiến cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng cố gắng suy diễn theo hướng mà họ cho là đúng, khiến cho bị can, bị cáo không có cơ hội để chứng minh. Do đó không tìm thấy được sự thật khách quan.

Vẫn theo Luật sư Lê Văn Hoà, tất cả là do lãnh đạo không quan tâm, không sâu sát kiểm tra, giám sát. Nhưng cũng không loại trừ có những vụ án có sự chỉ đạo của một ai đó ở cấp cao hơn, mà ở Việt Nam gọi là án bỏ túi.

Công luận thấy rằng, với sự “ngạo nghễ” chủ quan của ông Nguyễn Hòa Bình, thì việc có án oan sai, kể cả án tử hình, là không tránh khỏi.

Điều này từng được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ trong buổi làm việc với lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao ở Hà Nội vào tháng 3/2023, rằng “… mỗi phán quyết, quyết định của tòa án liên quan đến sinh mạng chính trị và thậm chí là sinh mạng con người, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, vì thế không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai hoặc với yêu cầu cao là không được để xảy ra sai”./.

Trà My – Thoibao.de