Ngày 4/7, RFA Tiếng Việt cho hay “Tô Lâm và Nguyễn Phú Trọng: Bộ Công an chống tham nhũng không có vùng cấm, cảnh giác thế lực thù địch”.
Theo đó, các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm 4/7, đã có những thông điệp kiên quyết về chống tham nhũng không vùng cấm, đảm bảo an ninh, tránh tình trạng lộ bí mật nhà nước, cảnh giác thế lực thù địch trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 14, vào đầu năm 2026.
RFA dẫn truyền thông nhà nước cho biết, các thông điệp này được tân Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra với Bộ Công an, nhân Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương 6 tháng đầu năm 2024. Báo nhà nước cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đến dự Hội nghị này, cùng với cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, trong khi ông Trọng, vì lý do không thể đến dự trực tiếp, đã gửi thư đến Hội nghị.
RFA cho biết, báo Nhà nước dẫn lời ông Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị, theo đó, ông nêu ra nội dung Bộ này cần thực hiện trong thời gian tới, là tiếp tục phát huy tinh thần “gương mẫu”, “đi đầu”, lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Bên cạnh đó, RFA cũng cho biết, trong thư gửi Bộ Công an, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá: “lực lượng công an đã phát huy tốt vai trò là “thanh bảo kiếm” sắc bén trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Người đứng đầu Đảng cũng nêu ra một số những vụ án tham nhũng lớn, liên quan đến một loạt các quan chức cấp cao trong Đảng đã bị xử lý, trong thời gian qua.
“Công an đã đánh đúng, đánh trúng, điều tra làm rõ nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, dư luận bức xúc, có sự đan xen giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, làm lũng đoạn hệ thống chính trị ở cơ sở. Điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, vụ án liên quan đến Khu đô thị Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng…” – ông Trọng viết.
RFA nhận xét, dù báo trong nước không nêu cụ thể những vụ án này liên quan đến ai, nhưng những thông tin và bình luận được các nhà quan sát quốc tế đưa ra cho thấy, những Tập đoàn lớn này liên quan đến các sai phạm của cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – những người vừa bị mất chức trong năm nay.
Mặc dù vậy, theo RFA, người phát động công cuộc “đốt lò” – tên gọi cho chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam – cũng nhấn mạnh trong thư:
“Việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vừa qua được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ với công tác cán bộ, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình, các đối tượng đều tâm phục, khẩu phục.”
Vẫn theo RFA, nhắc đến phương hướng, nhiệm vụ trong 6 tháng tiếp theo, ông Trọng lưu ý Bộ Công an: “Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ về mặt chiến lược; duy trì, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cao nhất cho phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế”.
Ông nêu cụ thể lý do là Đảng đang chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 14, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026. Vì vậy, đây là “những vấn đề mà cả nước quan tâm, nhưng cũng là vấn đề thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động, nói xấu…”
Ông Trọng yêu cầu phải có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng bị lộ, bị mất bí mật Nhà nước, “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”; tập trung các biện pháp phòng, chống thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, cài cắm nội gián của các thế lực thù địch, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là ở các cơ quan trọng yếu, cơ mật.
Ý Nhi – thoibao.de