Tổng dùng thuốc quá liều, triệu chứng tê liệt xuất hiện

Đảng Cộng sản đã quá thối nát, ông Nguyễn Phú Trọng không thể không dựng lò để chữa bệnh cho Đảng. Tuy nhiên, chữa như thế nào để không có bị phản ứng phụ thì ông Trọng không biết. Chỉ thấy triệu chứng là đập rồi tính sau. Vẫn là thói quen của người Cộng sản, làm lang băm chữa bệnh cho Đảng, nhưng ông Tổng vẫn dùng Tuyên giáo khoe rằng, ông là “bác sĩ giỏi” và một số người dân tin là thật. Đã có một tỷ lệ không nhỏ tôn vinh ông Nguyễn Phú Trọng là “người đốt lò vĩ đại”.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang dùng “thuốc liều cao” trị bệnh cho Đảng

Ông Trọng từng nói rằng, “đánh chuột sao cho không vỡ bình”. Tuy nhiên, thực tế thì cái bình kinh tế Việt Nam đã tan nát. Năm 2022 là một năm tệ hại, dù cho tỷ lệ tăng trưởng GDP được thông báo là 8,02%. Nhưng thực tế thì room tín dụng đã cạn từ quý 3, hàng loạt doanh nghiệp thiếu đơn hàng đóng cửa nghỉ Tết sớm, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán thì rối như canh hẹ khi mà hàng loạt vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đại gia trên sàn bị phanh phui vv… nói chung là kinh tế rất tệ.

Từ năm 2022, thực tế cán bộ nhà nước từ quan chức cấp cao cho tới quan chức thấp, không ai muốn làm việc. Bởi họ sợ sai, thà không làm thì an toàn hơn. Không khí trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều rất nặng nề, ai cũng nhìn trước nhìn sau. Tình trạng không giải ngân vốn đầu tư công tràn lan cũng vì bệnh sợ trách nhiệm.

Điều đáng nói là, trong bộ máy chính quyền Cộng sản có sự phân chia quyền lợi không đồng đều. Khi thực hiện những mánh lới để trục lợi, thì quan chức cấp cao sẽ ăn nhiều, nhưng khi chịu trách nhiệm thì họ lại đổ tội cho cấp dưới. Chính vì thế, trong những dự án đầu tư công, trên chỉ đạo xuống, nhưng dưới không làm, và vì thế mà dòng vốn bị nghẽn. Đó là thực tế đã và đang diễn ra hiện nay, nó rất nghiêm trọng.

Triệu chứng “tê liệt” đã xuất hiện

Nói chung, liều thuốc chống tham nhũng mà ông Trọng đang dùng cho Đảng của ông đã xuất hiện tác dụng phụ. Đó là “chứng tê liệt” đang lan rộng khắp các ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Vấn đề này Thoibao.de đã đề cập nhiều lần vào năm ngoái theo điều tra riêng. Tuy nhiên, cho tới nay, khi triệu chứng nguy hiểm này trở nên nghiêm trọng, thì phía chính quyền Cộng sản mới chịu thừa nhận.

Sáng 16/4, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội nói rằng: Phải khắc phục được tư tưởng “3 không” của một bộ phận cán bộ hiện nay, đó là “không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng”.

Còn ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thì nói rằng, “Có tình trạng co cụm, cầu an, thận trọng quá mức”. Đây là phản ứng rất hiển nhiên khi mà dân gốc thành phố không được trọng dụng, không trao cho họ quyền quản lý thành phố, mà Trung ương giành quyền đó cho những người ngoại tỉnh. Người cán bộ gốc thành phố, miếng thì không có mà trách nhiệm thì nặng nề, vậy ai chịu làm? Nguyên nhân ở đây vừa do ông Nguyễn Phú Trọng đốt lò quá mạnh và do chính sách bất công của Trung ương với cán bộ gốc thành phố này.

Thực tế, tình trạng “không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng” không chỉ xảy ra với TP. HCM mà còn xảy ra ở nhiều địa phương khác. Ông Tổng chữa bệnh cho Đảng, nhưng ông không lường hết tác hại của nó. Hiện nay, toàn bộ bộ máy công quyền hoạt động rất yếu, kế hoạch triển khai rất kém, và có khả năng, mọi chính sách đều không thể hoàn thành. Đó là những gì ông Trọng đã làm. Đến nước này thì lò không thể dừng được, vẫn phải đốt tiếp, và có khả năng, những năm sau kinh tế Việt Nam sẽ càng bi đát hơn nữa

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://baochinhphu.vn/print/can-som-hoan-chinh-nghi-dinh-ve-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-102230416151133296.htm

https://vietnamnet.vn/thu-truong-bo-cong-an-co-tinh-trang-co-cum-cau-an-than-trong-qua-muc-2133181.html