Tô Đại tướng có dừng tay, hay vẫn tiếp tục cuộc chiến vương quyền?

Ngày 4/8, Blog Hoàng Trường trên VOA Tiếng Việt bình luận “Hội nghị Trung ương bầu Tô Lâm làm Tổng Bí thư: Cái bất thường tại sao lại bình thường?”.

Tác giả đặt vấn đề, Ngai Vua đã vững! Liệu Tô Đại tướng có chịu nhường lại cương vị mang tính nghi lễ, cho phe quân đội là Đại tướng Lương Cường, hiện là Thường trực Ban Bí thư?

Tác giả trích dẫn Thông tấn xã Việt Nam, cho biết, tại Hội nghị sáng 3/8, căn cứ các quy định của Đảng, trên cơ sở giới thiệu của Bộ Chính trị, “Trung ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100%” để bầu Tô Lâm làm Tổng Bí thư Đảng khóa 13.

Tác giả cho rằng, có “một vài ẩn số” trong “phương trình” bầu Tổng Bí thư.

Thứ nhất, tại sao Đảng phải trưng ra ngoài, đây là một Hội nghị Trung ương bình thường chứ không phải bất thường?

Thứ hai, thông báo cho biết, Trung ương đã “thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100%”. Đã “suy tôn”, lại còn “tuyệt đối”! Nếu không công bố danh sách Ban kiểm phiếu thì muốn mấy trăm phần trăm chả được. Ở đây Trung ương muốn nhấn mạnh điều gì, khi chữ “suy tôn” trong tiếng Việt thường chỉ dùng trong ngữ cảnh “suy tôn” một vị vua, hay một anh hùng dân tộc?

Thứ ba, liên quan đến thời điểm Hội nghị. Điều này rất quan trọng đối với các nước Á Đông. Ngày 3/8 Dương lịch là nhằm ngày cuối tháng Sáu Âm lịch, Trung ương Đảng họp đúng vào “Lễ Thất tuần” của Tổng Trọng. Phải chăng Trung ương tránh tháng Bảy âm lịch? Nhưng theo Mật tông, đó mới là tháng linh thiêng!

Tác giả nhận xét, cố Tổng Bí thư được đánh giá cao, là “nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc”, nhưng tại sao không được “suy tôn”? Ba ẩn số nêu trên đặt dấu hỏi cho bức tranh toàn cảnh của “phương trình” trình chuyển giao quyền lực, giữa kỷ nguyên Nguyễn Phú Trọng sang giai đoạn của Đại tướng Tô Lâm.

Tác giả cho biết, “Chân mệnh đế vương” của tân Tổng Bí thư thực ra đã được dự báo, trước cả thời điểm ông được Quốc hội Việt Nam bầu lên làm Chủ tịch nước, hôm 20/5.

Trong lịch sử của Đảng chưa từng có tiền lệ, một Đại tướng Công an, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, đã vào ghế Tổng Bí thư Đảng một cách ngoạn mục, hầu như không có bất cứ “lỗi kỹ thuật” nhỏ nào.

Tác giả cho hay, theo một nguồn tin nội chính không tiện tiết lộ, trước Hội nghị Trung ương, ngày 2/8, Bộ Chính trị cũng đã nhóm họp, để quyết định giới thiệu nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu vào ngày hôm sau.

Theo thông tin rò rỉ, cũng có ý kiến muốn “gộp” 2 chiếc ghế trong “Bộ tứ” truyền thống của Việt Nam, là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước vào làm một. Tuy nhiên, đa số trong Bộ Chính trị vẫn kiến nghị tách 2 trung tâm quyền lực, chứ không “nhất thể hóa” như một vài ý kiến đề xuất!

Tác giả cho biết, qua tuyên thệ của tân Tổng Bí thư, cũng như tại buổi họp báo ngày 3/8, giới quan sát không nhận thấy bất cứ một độ vênh nào trong đường lối mà Tô Lâm cam kết sẽ theo đuổi, so với cố Tổng Trọng trước đây. Điều này là hiển nhiên, vì Đảng Cộng sản Việt Nam bao giờ cũng muốn tỏ cho bên ngoài thấy rằng, Đảng là một khối sức mạnh thống nhất, cho dù thực tế chưa bao giờ là như vậy, kể từ ngày thành lập.

Tác giả cũng cho biết, theo dư luận các giới, những lá phiếu sáng 3/8 chỉ có giá trị đến hết Đại hội 13. Nhưng cuộc đua tiếp theo giành vị trí A-1 tại Đại hội 14 của tân Tổng Bí thư, liệu sẽ chủ động hơn thời gian qua? 63 Giám đốc Công an tại các tỉnh thành do đích thân Tô Lâm bổ nhiệm, thuở ông đứng đầu ngành Công an, sẽ là những “chỉ điểm” cho Tô Đại tướng. Họ có thể “khống chế” các Bí thư và Chủ tịch. Lướt qua hàng rào các yếu nhân bao quanh tân Tổng Bí thư, nhiều đồng chí Trung ương đã trót nhúng chàm chắc hẳn cảm thấy nghẹt thở.

 

Minh Vũ – thoibao.de