Tăng lương có trị được tham nhũng?

Ngày 4/7, VOA Tiếng Việt có bài “Việt Nam tăng lương 30% để trị tham nhũng, liệu có khả thi?”

Theo VOA, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ chuẩn bị đề án tăng lương cơ sở trong nhiều năm qua, và sau khi được Quốc hội phê chuẩn hôm 29/6, kể từ ngày 1/7 năm nay, Việt Nam sẽ tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân trong khu vực Nhà nước lên 30%.
Mức tăng này là tăng lương cơ sở, từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng, là cơ sở để nhân lên theo hệ số của mỗi người.

VOA cho hay, một sinh viên tốt nghiệp mới đi làm, có hệ số lương được quy định là 2,34. Với mức lương mới kể từ ngày 1/7 người này sẽ được trả 5.475.600 đồng/tháng, tức là khoảng 220 đô la Mỹ, so với 4.212.000 đồng trước đây.
Mức lương này, thật ra còn chưa bằng lương công nhân không có bằng cấp, đi làm trong các nhà máy, khu công nghiệp, vốn dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng.
VOA cũng cho hay, các chức danh lãnh đạo như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, được tính hệ số 13, sẽ có mức lương mới là 30,42 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1.200 đô la.
Còn lương một vị bộ trưởng với hệ số 10,3, sau khi tăng sẽ là 24.102.000 đồng/tháng, tức là chưa tới 1.000 đô la/một tháng.
VOA dẫn lời một thẩm phán của một tòa án nhân dân cấp huyện ở Nam Bộ, cho biết, sau khi được tăng, mức lương tổng cộng hàng tháng của ông, bao gồm lương và các khoản phụ cấp, là hơn 20 triệu đồng/ tháng, trong đó, có một khoản phụ cấp chức danh thẩm phán, mà ông gọi là “tiền dưỡng liêm”, được tính bằng 25% trên tổng số mức lương được hưởng.
Với mức lương này, 2 vợ chồng ông đều đi làm và không phải thuê nhà, nên thu nhập là “đủ sống đến có dư”.

Theo ông, sau hai năm 2021 – 2022 không được tăng lương do đại dịch COVID-19, thì mức tăng 30% này “cũng là thỏa đáng”, và “cũng không có gì phấn khởi”. Trước dịch, hàng năm nhà nước đều tăng lương cơ sở khoảng 10%, ông cho biết.

VOA dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A – một nhà bất đồng chính kiến, cho rằng, việc tăng lương này “không có tác dụng gì” trong việc phòng ngừa tham nhũng trong hàng ngũ các cán bộ cấp cao. Theo lời ông thì, mức lương bộ trưởng sau khi tăng vào khoảng 24 triệu đồng/tháng “chỉ bằng hay nhiều hơn một chút lương của một kỹ sư máy tính ở các công ty tư nhân hay nước ngoài”.

“Tham nhũng thường xảy ra ở những cán bộ ở cấp cao. Nếu tăng lương lên 30% ở cấp giám đốc Sở, chủ tịch thành phố, thì vẫn chưa thấm tháp gì so với những người nắm giữ các vị trị tương đương ở các doanh nghiệp.”
“Bây giờ, nếu tính bỏ số tiền để giảm tham nhũng, mà số tiền đấy để bù cho những người là quan chức cấp cao [để họ khỏi tham nhũng] thì là thừa. Cho nên tôi nghĩ đấy không phải là vấn đề tài chính.”

Ông giải thích, cho dù có tăng lương cho một bộ trưởng lên 100 triệu đồng/tháng, tức 1,2 tỷ đồng/năm, tương đương gần 50.000 đô la Mỹ, thì số tiền đó “vẫn không thấm tháp gì” so với thiệt hại do tham nhũng, vì mỗi vị bộ trưởng khi bị phát hiện tham nhũng đều ở mức lên tới hàng triệu đô la.
“Chỉ cần bớt được 1 triệu đô la tham nhũng thì số tiền đó trả lương cao được cho cả chục ông bộ trưởng trong một năm”, ông nói.

Tuy nhiên, ở cấp công chức, viên chức, ông Nguyễn Quang A cho rằng, “tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu doanh nghiệp” sẽ được cải thiện, nếu mức lương mới tương đương với lương của những người ở các vị trí ngang hàng trong cách ngành công nghiệp, thương mại hay dịch vụ.
Cũng theo ông A, chỉ tăng lương thôi mà không có các yếu tố khác để chống tham nhũng “thì cũng vô nghĩa”.
“Lương là phải đủ sống, nhưng chỉ có lương cao thôi thì chưa thể gọi là chống tham nhũng được. Cần phải có nền tư pháp độc lập, nền báo chí tự do và có cơ quan giảm sát độc lập nữa”, ông lập luận.

 

Hoàng Anh – thoibao.de