Tô Chủ tịch có đối thủ mới, Tướng Lương Cường “nghênh chiến” Tướng Tô?

Hôm ngày 16/6, báo chí nhà nước thông báo, ông Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, đã ký quyết định số 165 của Bộ Chính trị, ban hành quy trình xem xét, thi hành kỷ luật với tổ chức Đảng, đảng viên, thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, và Ban Bí thư. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2024, thay thế cho Quyết định 195/2008 của Bộ Chính trị.

Được biết, quyết định này vạch rõ quy trình kỷ luật, theo 3 bước, gồm:

Bước 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hồ sơ vụ việc, gồm tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm và tài liệu có liên quan. Sau đó Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư sẽ nghe những tổ chức, cá nhân bị đề nghị kỷ luật trình bày sự việc.

Bước 2, Tổ chức 1 hoặc 2 hội nghị. Đầu tiên là một hội nghị của Bộ Chính trị, hoặc Ban Bí thư, để xem xét và quyết định kỷ luật. Nếu Bộ Chính trị không thể giải quyết, thì sẽ có hội nghị thứ 2. Đó là, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để xem xét, và quyết định: kỷ luật hay không kỷ luật.

Bước 3: Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, để ban hành quyết định thi hành kỷ luật, hoặc thông báo không kỷ luật.

Trước đây, khi ông Tổng còn khỏe mạnh, việc kỷ luật cán bộ cấp cao vẫn theo quy trình trên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, Tô Lâm đã tùy tiện cho bắt người, khi Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chưa tiến hành kỷ luật. Cụ thể là vụ bắt ông Trần Đức Quận – Bí thư; và ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, hồi tháng 1/2024. Hay vụ bắt bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư; và ông Lê Duy Thành – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, hồi tháng 3/2024, v.v… đều là những vụ “đánh úp”, bắt trước, rồi Trung ương Đảng thi hành kỷ luật sau.

Những vụ bắt bớ kiểu đánh úp như thế, đã dẫn tới hàng loạt nhân vật chóp bu ở Bộ Chính trị, như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, ngã đổ theo. Nhờ đó, Tô Lâm mới ngoi lên thành thế lực mạnh nhất, như hiện nay.

Nếu Đảng không ngăn chặn được việc bắt người tùy tiện của Tô Lâm, thì có thể, thời gian tới, nhiều quan chức sẽ lại ngã đổ theo cách tương tự. Cho nên, có thể hiểu, ông Lương Cường ký quyết định 165 của Bộ Chính trị, là để bảo vệ nhiều quan chức, trong đó đặc biệt là 8 uỷ viên Bộ Chính trị thuộc Ban Bí thư.

Ký quyết định này, xem như, Đại tướng Lương Cường đã ra mặt “nghênh chiến” với Đại tướng Tô Lâm. Bởi vì, ông Tô Lâm nhờ vào cách hành xử vô pháp, mà thắng lớn; nên Lương Cường quyết đưa ông vào khuôn khổ. Lương Cường có thế mạnh, là được gần như toàn bộ Bộ Chính trị (trừ Tô Lâm) ủng hộ. Trong khi, Tô Lâm thì có lợi thế nắm rất chắc Bộ Công an.

Vậy ai sẽ mạnh hơn trong cuộc chiến này? Điều này cần thêm thời gian quan sát.

Được Bộ Chính trị ủng hộ là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, cũng mới đây thôi, Tô Lâm đã dùng Bộ Công an để ép Bộ Chính trị phải gật đầu, đồng ý cho Lương Tam Quang kế nhiệm chức Bộ trưởng Công an. Do đó, việc ông Lương Cường được phần lớn thành viên trong Bộ Chính trị ủng hộ, thì cũng chưa chắc ông có thể buộc được Tô Lâm phải vào khuôn khổ.

Quyết định thì đã ký, còn việc Tô Lâm có tuân thủ hay không, thì lại là một vấn đề khác. Tô Lâm vốn nổi tiếng là vô pháp, nếu ông đủ mạnh, ông cũng chẳng coi cái Quyết định kia của Bộ Chính trị ra gì. Cho nên, không loại trừ khả năng Tô Lâm phớt lờ quyết định 165 kia.

Hiện nay, ông Lương Tam Quang đã làm Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng vẫn chưa vào được Bộ Chính trị. Việc Tô Lâm cho bắt người kiểu đánh úp, đã không còn là quyết định của ông, mà là quyết định của Lương Tam Quang. Nếu chưa, hoặc không thể vào Bộ Chính trị, thì ông Lương Tam Quang sẽ “nhát tay” hơn, khi “bắt sống” quan chức, mà không cần chờ Trung ương Đảng xử lý kỷ luật trước. Nếu Tô Lâm đưa được Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 10 sắp tới, khả năng cao, ông sẽ phớt lờ Quyết định của Bộ Chính trị.

 

Trần Chương – Thoibao.de