“Cụ” sắp ra đi?

Ngày 12/1, báo Tiếng Dân đăng bài “Ông Nguyễn Phú Trọng đang hôn mê?” của tác giả Lê Văn Đoành.

Tác giả cho biết, tin chấn động trong triều đình Cộng sản, Nguyễn Phú Trọng đã rơi vào hôn mê, đang gây xôn xao dư luận.

Thông tin cho hay, ngày 26/12/2023, sau khi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, ông Nguyễn Phú Trọng đã có vấn đề đột ngột về sức khỏe, phải vào Viện 108. Diễn biến bệnh tình mỗi ngày một xấu đi. Tại đây, ông Trọng được chẩn đoán bị nhồi máu não và được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu (ICU).

Theo tác giả, suốt tuần qua, người ta thấy rất đông lực lượng quân đội và cả công an phong tỏa các lối ra vào Viện 108. Tin nội bộ rò rỉ, ông Trọng bị tai biến lần hai, xuất huyết não bán cầu phải. Khu A2, tầng 11, nơi ông Trọng nằm, tất cả các lối đi cũng đều bị phong toả. Cầu thang số 6 dẫn lên các lầu, được quân đội kiểm soát, chỉ dành cho người có thẻ mới được vào.

Tác giả nhắc lại lần đột quỵ đầu tiên của ông Trọng tại Kiên Giang, vào ngày 14/4/2019. May mắn, lần đó ông chỉ bị xuất huyết nhẹ, bị liệt nửa người bên trái, một tháng sau thì hồi phục.

Tuy nhiên, may mắn không đến với ông lần này. Hiện tại, luồng thông tin hiếm hoi từ Viện 108 “bắn” ra, cho biết, bệnh tình ông Trọng bất ngờ chuyển biến khá nặng. Tỉnh rồi mê, mê rồi tỉnh, rồi lại rơi vào hôn mê sâu, tiên lượng vô cùng xấu.

Tác giả cho hay, trong một diễn biến khác, ngày 9/1/2024, Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô Hà Nội tổ chức khai mạc tập huấn công tác quân sự, quốc phòng năm 2024. Không biết, quân đội đang toan tính điều gì.

Có lẽ người “anh em phương Bắc” biết nhiều hơn xứ Đông Lào.

Tác giả đề cập đến chuyến thăm của ông Trần Tư Nguyên, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc vào sáng 10/1, và được Bộ trưởng Tô Lâm hội kiến. Chiều cùng ngày, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc phối hợp tổ chức Hội nghị Đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất. Kết thúc hội nghị, hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về an ninh chính trị giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc. Nhiều câu hỏi đặt ra, hợp tác về cái gì? Sao lại là “lần thứ nhất” ngay lúc này?

Tác giả đặt vấn đề: Nếu ông Trọng ra đi đột ngột, ai sẽ thay ông nắm vị trí đầu Đảng?

Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội – là cái tên được đích thân ông Nguyễn Phú Trọng giới thiệu quy hoạch chức danh Tổng Bí thư.Tuy nhiên, cuộc đua ngấm ngầm vào vị trí Tổng Bí thư còn có các nhân vật khác đầy tham vọng: Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng và Tô Lâm.

Tác giả nhận xét, trong “tứ trụ” hiện nay, ông nào cũng có “tì vết”. Vương Đình Huệ được cho là “say mê ca hát và gái gú “, thiếu chuẩn mực của một chính trị gia hàng đầu.

Phạm Minh Chính bị “seri đòn” bởi các vụ án xảy ra ở Quảng Ninh và nhất là bê bối dính líu bà trùm AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Võ Văn Thưởng tương đối “sạch sẽ” hơn, nhưng điểm yếu là “non trẻ”, chưa đủ lão luyện để cầm đầu Đảng và không phải “người Bắc có lý luận”. Ông Thưởng có xuất thân không thuộc “con ông cháu cha” như đồn đoán.

Tác giả cho biết thêm, ngày 19/8/2023, trong Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người ta thấy các “nguyên lão” phía Nam tụ tập gồm: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc… như ngầm liên minh ủng hộ Võ Văn Thưởng lên Tổng Bí thư tại Đại hội 14. Đặc biệt, lần đầu tiên, hai ông Tư Sang, Ba Dũng kề vai, sát cánh bên nhau, thân mật trong một khuôn hình.

Tác giả kết luận, rất nhiều kịch bản trên lý thuyết, còn thực tế thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 sẽ triệu tập phiên họp bất thường đặc biệt, để chọn người nắm vai trò Tổng Bí thư. Tin cuối ngày 11/1/2024, Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đang vận động để tranh vị trí Tổng Bí thư, nếu như ông Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng.

“Lề dân” đang theo dõi sát sao diễn biến nơi cung đình. Điều mà dân chúng chờ đợi là khi nào thì Đảng Cộng sản Việt Nam chịu giải tán, và nhà nước độc tài toàn trị chính thức cáo chung, cũng như có hay không sự động binh, can thiệp từ ngoại bang qua cái gọi là “bảo vệ thành quả của Chủ nghĩa Xã hội” hay không.

Minh Vũ – thoibao.de

12.1.2024