Phải chăng chúng ta vẫn còn bị ảnh hưởng sự ấu trĩ của nền triết học cổ?

Sống ở Đức đã lâu năm, hàng ngày nghe tin thời sự thấy cảnh  Quê hương Tổ quốc mình còn nhiều đau khổ tôi vừa buồn lại vừa lo và không khỏi tiếc nuối. tôi tự nghĩ, dân chúng mình có „đến nỗi“ lắm đâu.

Đi ra ngoài cũng không quá kém cỏi so với thiên hạ. Cố gắng chịu khó siêng năng học hỏi cũng sẽ đạt được những thành tích „khiêm tốn“ nhất định. Cái đó đã được chứng minh ở Mỹ, Pháp và Đức. Thế tại sao để dân tộc rơi vào những thảm cảnh lẽ ra không phải có như hiện thời?

Nghiên cứu từ lĩnh vực triết học, tôi tự hỏi và tự trả lời, hay là do phần lớn người dân Việt Nam ta bị ảnh hưởng của nền triết học cổ điển mà cho là vũ trụ và những quyền năng to lớn quá nên mình không phản ứng chống chọi lại được, nên sẵn sàng quên cả thân mình cho nó qua đi? Họ chưa ý thức được là mình đang sống để phản tỉnh, phản ứng để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ vẫn ở trong giai đoạn PHÓNG THẾ – Hòa mình vào cái sự mà họ cho là chuyện đã an bài, chuyện đã rồi và chẳng còn cách nào khác nữa…

Có người sống đến gìa, đến  chết mà vẫn chưa ý thức được ý nghĩa của cuộc NHÂN SINH.

Từ đó làm cho cuộc sống của họ chỉ hơn động vật cao đẳng một chút mà thôi. Có khi còn kém hơn.

Những con người ấy họ không hiểu được tình cảnh bi đát của họ, đành chấp nhận và cắn răng chịu ách nô lệ và độc tài.

Có thể do con người Việt Nam đã bị nhồi nhét những học thuyết thông qua những câu khẩu hiệu vô hồn, duy lý, trừu tượng, máy móc, khó hiểu, khắc trên bia, bảng, viết vào sách giáo khoa, ghi vào nghị quyết có con dấu và chữ ký; Rồi biến nó  thành đường lối, kim chỉ nam. Để cho thiêng liêng người ta xây dựng những mẫu người như thần thánh bằng cách xuyên tạc tiểu sử, tự bịa ra nhưng giai thoại mà không đúng với con người thật của họ. Rồi từ đấy mà lợi dụng cái DANH không có thực ấy để trích dẫn những câu nói và tư tưởng của người đó. Mà cá nhân người đó – Vị „thánh“ đó chưa hẳn đã thích. Từ „nghệ thuật“ lừa khéo đó đã  làm cho đại đa số người dân không biết được sự thật và họ  tin tưởng; Họ cùng nhau đồng ý và lủi thủi „ngoan đạo“ đi theo. Như đàn cừu theo một con chó trên thảo nguyên. Tôi nhớ tới mấy câu thơ của Tố Hữu ngày xưa:

„Bác bảo đi là đi

Bác bảo thắng là thắng

Việt Nam có Bác Hồ

Thế giới Sitalin…“

Đó là ảnh hưởng của thứ triết học cổ truyền có từ thời Platon, Aristote, Descartes, Kant và Hegel.

Lối triết học ấy, theo quan điểm của Giáo sư tiến sỹ Trần Thái Đĩnh thì nó không giúp gì con người trong việc giải quyết những vấn đề nhân bản.

Chừng nào con người chưa tỉnh ngộ ra rằng mình là MỘT CHỦ THỂ, là MỘT NHÂN VỊ TỰ DO thì họ cứ phải chấp nhận sự khổ đau, sự bất công, tủi nhục và sống không ra người.

Một khi con người chỉ im lặng, nép mình chấp nhận số phận như một sự an bài như ông cha ta ngày xưa suy tôn các bậc vua chúa. Dẫu họ tàn ác và xấu xa thế nào chăng nữa, vẫn cứ phải tôn kính. Vẫn cứ phải „một điều thưa hai điều gửi“.

Đã đến lúc chúng ta phải dùng triết học hiện sinh để soi rọi, hướng tới nhân sinh, phục vụ nhân sinh, phục vụ trực tiếp chúng ta. Giáo sư Trần Thái Đĩnh cho rằng không gì tha thiết với con người bằng chính con người; Và cũng không có gì dễ hiểu hơn. Người ta kính trọng ông thầy, không phải vì ông ấy là một ông thầy; Người ta kính trọng là do cái tri thức và đạo đức của ông ấy. Người ta kính trọng ông Thủ tướng, hay ông Tổng thống v.v…không phải do chức tước của các ông đó mà do cái tài, cái đức của họ đối với cả dân tộc mà thôi.

Nếu chúng ta cũng ngộ nhận như ông cha ta với thời vua chúa ngày xưa thì chao ôi, chúng ta thụ động, bán rẻ thiên chức làm người mất rồi!  Chúng ta là con người hẳn hoi không thể để rơi vào hàng SỰ VẬT. Mà rơi vào hàng sự vật thì không có TỰ DO TÍNH và không có CHỦ THỂ TÍNH nghĩa là chúng ta không có nội tâm, không có ý thức tự quy, không có trí tuệ. Chúng ta sẽ như cây đa, con mèo hay con chó  mà thôi.

Nói đến khả năng của mỗi người là nói đến sự tự quyết, nói đến trách nhiệm và nói đến tự do.

Con người phải có nhận thức một cách sáng suốt rằng trên đời này không có gì là lý tưởng, là mãi mãi muôn năm, là bất biến, là cứ phải theo cái đó như bầy đàn. Không có gì cưỡng bách được bạn, được tôi và chúng ta là phải nhất nhất làm như thế này, làm như thế nọ.

Chúng ta không thể để thân mình tự nguyện biến thành một vật vô tri, vô giác. Như thế thì con người sẽ chìm trong vũ trụ, bị đặt vào vũ trụ như là  một vật thể mà thôi.

Khi những con người biến thành con người tự do siêu việt thì sự mua chuộc bằng danh lợi hay tù ngục, gươm súng và bạo lực mạnh đến mấy cũng phải thua. „Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vua đất Bắc“ (Trần Bình Trọng).

Bài viết „đá“ qua triết học một chút nên khô khan và có những quan điểm chưa hẳn đã xác đáng, mong bạn đọc góp ý và phê bình. Xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Doãn Đôn (Berlin)