Vì sao Tô Chủ tịch bất ngờ đến thăm Quân khu 9 – “thánh địa” cũ của ông Ba Dũng?

Đại tướng – Chủ tịch nước Tô Lâm trong những ngày gần đây, đã có các chuyến vi hành liên tục, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, như con thoi.

Cụ thể, ngày 2/7, ông Tô Lâm chủ trì lễ ra mắt Lực lượng An ninh Cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh; ngày 4/7, Đại tướng Tô Lâm chủ trì Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương tại Hà Nội; và ngày 5/7, Chủ tịch nước Tô Lâm lại có mặt tại Quân khu 9, tỉnh Vĩnh Long.

Báo Nhân Dân ngày 5/7 đưa tin “Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9”. Bản tin cho biết, sáng 5/7, tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm và làm việc tại Lữ đoàn Công binh 25, thuộc Quân khu 9. Cùng dự và làm việc, có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh Vĩnh Long.

Đồng thời, nhân dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn công tác đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, và Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Theo giới quan sát, việc Chủ tịch nước Tô Lâm về thăm và làm việc tại Quân khu 9, có thể liên quan đến những đồn đoán gần đây, cho biết, chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của Chủ tịch Tô Lâm sẽ là Campuchia, thay vì Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Hơn nữa, đây là địa bàn hoạt động của người bố ông Tô Lâm, là Tướng Tô Quyền, trong giai đoạn trước năm 1975.

Tuy nhiên, Quân khu 9 lại được biết đến là địa bàn mang tính chiến lược của cựu Thủ tướng 2 nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng. Quan trọng hơn, với 2 nhiệm kỳ nắm giữ chức Thủ tướng, ông Ba Dũng đã xây dựng được một hệ thống chân rết, ở khắp mọi ngóc ngách trong bộ máy nhà nước, từ Trung ương tới các địa phương. Chưa kể đến việc, thời gian đó, ông Nguyễn Tấn Dũng nhận được sự ủng hộ của các “đại thần” trong Đảng, như Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh và Đỗ Mười, khi uy tín của họ còn bao trùm.

Sau Đại hội Đảng 12, năm 2017, trong lúc Ủy Ban Kiểm tra Trung ương xục xạo để tìm kiếm các bằng chứng, để “xử” Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ – một cơ quan lãnh đạo Đảng đối với toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích là tiến tới xử lý các sai phạm có liên quan đến ông Ba Dũng.

Tại thời điểm đó, có những thông tin cho biết, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình đã phải chuyển vào ở tại nhà khách của Bộ Tư lệnh Quân khu 9.

Cũng tại thời điểm căng thẳng đó, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 25/7/2017 đưa tin, “Họp mặt đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 9 các thời kỳ”.

Bản tin cho biết, cuộc họp mặt nói trên, có các vị nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, như: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; cùng các vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân khu 9, qua các thời kỳ.

Tại buổi lễ, còn có sự có mặt của Phó Chủ tịch nước lúc đó là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh. Bà Phó Chủ tịch nước phát biểu, và nhấn mạnh: “Lực lượng vũ trang Quân khu 9 cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn…”

Các chuyên gia về chính trị Việt Nam cho rằng, thời điểm đó, việc xuất hiện của các đại thần như Lê Khả Phiêu; Lê Đức Anh, tại trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 9, dưới danh nghĩa họp mặt lãnh đạo cũ, là một động thái bất thường của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối với Tổng Trọng.

Xin nhắc lại, ông Tô Lâm trước đây là Trợ lý cho Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng – người từng là cố vấn An ninh và Tôn giáo cho ông Ba Dũng, và cũng được đánh giá là thân cận với ông.

Điều đó có liên quan gì đến việc, Chủ tịch Tô Lâm về thăm và làm việc tại Quân khu 9 – vốn được coi là thánh địa, và là nơi họp bàn những việc cơ mật của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây?./.

 

Trà My – Thoibao.de