Ngày 4/7, báo Người Lao Động có bài “Mạng xã hội bàn tán một bằng bổ túc cấp 3”. Bài báo không chỉ đích danh ông Vương Tấn Việt, tức sư Thích Chân Quang, nhưng rõ ràng, đây là bài báo nói về nhân vật này.
Bài báo viết:
“Những ngày qua, mạng xã hội chia sẻ nhiều về một bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của một người đàn ông. Theo đó, bằng này được cấp ngày 12/7/1989, bên dưới có chữ ký của bà Vương Thị Tần, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.
Cư dân mạng đã so sánh bằng bổ túc văn hóa cấp 3 của người này với bằng bổ túc văn hóa cấp 3 của một cố diễn viên nổi tiếng. Đồng thời, mạng xã hội cũng đã chỉ ra những điểm bất thường của tấm bằng này.
Sau khi có dư luận trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh. Kết quả xác minh thể hiện người đàn ông này không có tên trong danh sách tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa.”
Như vậy, sự thật đã rõ, việc xác minh nguồn gốc của tấm bằng bổ túc văn hóa cấp 3 của ông Vương Tấn Việt đã được cơ quan chức năng thực hiện. Và đây xem là lời khẳng định, tấm bằng bổ túc văn hóa của ông Việt là giả.
Đây mới chỉ là bước khởi đầu, còn rất nhiều vấn đề đằng sau tấm bằng giả này, cần được cơ quan chức năng làm rõ. Mạng xã hội đã có rất nhiều phân tích thuyết phục về những tấm bằng của ông Việt, như bằng Cử nhân văn bằng 2, và bằng tiến sĩ cấp tốc do Đại học Luật Hà Nội cấp.
Vấn đề là, bằng tốt nghiệp cấp 3 là điều kiện đầu vào của các chương trình đào tạo đại học. Ông Việt không đáp ứng được điều kiện này, nhưng vẫn được nhận vào học, thì hoặc là quy trình cấp bằng có sai phạm; hoặc bằng tốt nghiệp là giả. Dù kết quả điều tra rơi vào trường hợp nào, thì những tấm bằng của ông Việt cũng cần phải thu hồi.
Bằng cấp 3 đã không đạt, xem như, Đại học Luật Hà Nội – nơi ông Việt tốt nghiệp cả hệ đại học lẫn hệ tiến sĩ, đều bị dính sai phạm. Đặc biệt với tấm bằng tiến sĩ, ông Việt đã công bố clip bảo vệ luận án, với thời gian đào tạo tiến sĩ 2 năm, thì rõ ràng, đây là quá trình đào tạo có dấu hiệu sai phạm.
Cộng đồng mạng cũng đặt câu hỏi rất lớn, về việc, thời gian nghiên cứu sinh của ông Việt, trùng hợp với lệnh giãn cách của Chính phủ vào cao điểm dịch Covid-19.
Hiện nay, với áp lực rất lớn từ mạng xã hội, chính quyền khó mà bao che cho ông thầy chùa đầy tai tiếng này. Những bằng chứng đã được công bố rất rõ ràng, và những phân tích rất khoa học của những người có chuyên môn, cũng đã nổi lên khắp cõi mạng.
Người dân đang chờ xem chính quyền có thực tâm làm tới nơi tới chốn vụ này hay không; hay chống lại sự thật để bao che cho một ông thầy chùa và một trường Đại học Luật?
Dư luận xã hội đang đặt câu hỏi rằng, liệu có hình thức bán bằng giả, bằng cách tổ chức cho học sinh học vẹt, để hợp thức hóa hồ sơ hay không? Bởi nếu học thật, không mấy ai có khả năng đốt cháy giai đoạn đến một nửa thời gian. Nếu học thật, hầu hết học viên đều tốt nghiệp đúng kỳ hạn, hoặc trễ hơn. Chỉ có học hình thức như cưỡi ngựa xem hoa, thì mới dễ dàng rút ngắn được thời gian.
Dư luận xã hội đang đợi Bộ Giáo dục thẩm định các tài liệu, hồ sơ, quy trình học, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ và nội dung các luận án tiến sĩ của trường Đại học Luật Hà Nội, có đạt hay không? Có dấu hiệu thông đồng, cấu kết, của các tổ chức, cá nhân, trong việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay không?
Nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực, đưa nhận hối lộ để cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ, thì Bộ Giáo dục cần chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền, kiến nghị điều tra, xử lý tội phạm.
Nếu khui đến cùng, cả Đại học Luật Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội đều phải bị điều tra. Những trường này đang có dấu hiệu sai phạm rất rõ.
Thái Hà – thoibo.de