Mức an toàn của người Việt Nam trước nhà nước rất thấp

Ngày 4/7, VOA Tiếng Việt cho hay “Báo cáo HRMI 2024: Người dân Việt Nam “Không an toàn” trước nhà nước”.

Theo đó, Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) vừa công bố báo cáo các chỉ số nhân quyền 2024, đánh giá rằng, người dân Việt Nam “không an toàn” trước nhà nước, trong khi, các quyền tự do dân sự và tự do chính trị đang “ngày càng xấu đi”.

VOA cho biết, HRMI – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New Zealand – hồi tháng trước, công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu, thông qua các Chỉ số Thực hiện Quyền Kinh tế và Xã hội, và xếp hạng hiệu suất của mỗi quốc gia, bằng cách ấn định điểm số cho 3 tiêu chí chính: chất lượng cuộc sống, an toàn trước nhà nước và trao quyền.

VOA dẫn báo cáo của HRMI, phần về Việt Nam, cho thấy, tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023.

Về hạng mục an toàn trước nhà nước, Việt Nam đạt 4,6/10 điểm, giảm 0,3 so với điểm 4,9 vào năm ngoái.

Theo báo cáo mới nhất của HRMI, nhiều người ở Việt Nam “không an toàn”, do có những vụ việc bị bắt giữ, tra tấn, ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết hoặc giết người ngoài vòng pháp luật. Mức an toàn của người Việt Nam trước nhà nước “thấp hơn mức trung bình” so với các quốc gia khác.

Theo HRMI, các nhóm có nguy cơ bị vi phạm các quyền này, cao nhất là những người ủng hộ nhân quyền, những người có niềm tin chính trị hoặc sắc tộc cụ thể, và các nhà báo.

Về hạng mục trao quyền, Việt Nam bị đánh giá “rất tệ” ở cả 4 chỉ số. Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 2,5 điểm về quyền hội họp và lập hội; 2,8 về bày tỏ quan điểm và biểu đạt; 2,7 về tham gia chính quyền và 2,4 về tôn giáo và tín ngưỡng. Các nhóm có nguy cơ, bao gồm những người phản đối hoặc tham gia các hoạt động chính trị bất bạo động, các nhà hoạt động nhân quyền, những người có tín ngưỡng hoặc thực hành tôn giáo riêng của họ, người dân bản địa…

Với 89,4% về quyền chất lượng cuộc sống, HRMI nhận định rằng, chỉ số này cho thấy, “Việt Nam đang thực hiện tốt hơn mức trung bình” so với các quốc gia khác ở Đông Á. Với quyền này, bất cứ điều gì dưới 100% đều cho thấy, một quốc gia không đáp ứng nghĩa vụ hiện tại của mình, theo luật nhân quyền quốc tế.

HRMI lưu ý rằng, ở Việt Nam, một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận đầy đủ và không thể được hưởng trọn vẹn các quyền về chất lượng cuộc sống. Những nhóm người này bao gồm người bản địa, người thuộc các dân tộc hoặc tín ngưỡng cụ thể, người bị giam giữ và những người bị khởi tố, các nhà hoạt động nhân quyền và những người có địa vị xã hội hoặc kinh tế thấp, cùng những người khác.

Trong khi đó, theo VOA, tuần qua, các trang báo nhà nước của Việt Nam đồng loạt lên án bản báo cáo mới này của HRMI.

VOA dẫn ý kiến trên một số báo chí nhà nước, cho rằng:

“Đây thực chất vẫn là những luận điệu vô căn cứ, hoàn toàn không dựa trên tình hình thực tế về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.”

“Những chiêu trò bổn cũ soạn lại này thực chất nhằm chống phá… hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.”

Bên cạnh đó, vẫn theo VOA, giới hoạt động tỏ ra đồng tình với báo cáo này.

VOA dẫn nhận định của nhà hoạt động nhân quyền Vàng Seo Giả, ở bang Minnesota, Mỹ, cho rằng:

“Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền đưa ra kết quả này hoàn toàn chính xác dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, theo hệ thống luật pháp của các nước dân chủ. Trong khi đó, Việt Nam phản biện dựa vào các luật lệ và lợi ích của họ.”

VOA cũng dẫn quan sát của tác giả Aerolyne Reed, viết trên tạp chí The Vietnamese hôm 2/7, rằng, mặc dù chất lượng cuộc sống ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao, nhưng những lợi ích này không phải ai cũng có thể tiếp cận được, vì theo báo cáo của HRMI, những người cần chất lượng cuộc sống nhất “thường không thể đạt được điều đó”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de