Bắt Osin Huy Đức và bịt mồm báo chí, phe Tô đang lưu manh hóa bộ máy chính quyền!

Ngày 29/5, thông tin nhà báo Huy Đức bị Công an bắt và khám xét nhà đã tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đến nay, báo chí nhà nước vẫn im thin thít. Họ đang bị “khóa mõm”, chưa được phép nói về vụ bắt bớ này. Chỉ đến khi nào Bộ Công an cho phép, thì họ mới được nói, và phải nói theo nội dung mà Công an cung cấp.

Kiếp báo chí nô bộc, ngay cả trong trường hợp được phép mở mồm, thì họ cũng không có quyền đưa tin theo đúng sự thật.

Trước đây, ông Nguyễn Cao Trí – đại gia, chủ dự án khu du lịch Đại Ninh, cũng “mất tích” nhiều tháng, trước khi ông Tô Ân Xô công bố lệnh bắt giam. Cách hành xử của Bộ Công an chẳng khác nào phường trộm cắp. Là cơ quan công quyền, nhưng họ lại không công khai việc bắt giữ người, thì đó là bắt cóc, là cách hành xử của xã hội đen.

Bộ Công an được mệnh danh là “lực lượng chấp pháp”, tức là, họ cần phải làm việc theo đúng quy định của pháp luật, nghĩa là, phải công khai minh bạch, và phải theo đúng trình tự tố tụng, chứ không thể giấu giếm. Giấu giếm thông tin bắt người là hành động của một chính quyền không có chính danh.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức, rồi âm thầm mang về Việt Nam, là cách làm của xã hội đen, của băng đảng tội phạm. Và hành vi bắt cóc của Tô Lâm, đã khiến nhiều thuộc hạ bị Đức bắt giữ, và kết tội hình sự, đồng thời cũng khiến chính quyền Slovakia chỉ đích danh Tô Lâm là tội phạm.

Bắt cóc là bất hợp pháp, cho dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Bộ Công an không chỉ bắt cóc một mình Trịnh Xuân Thanh, hay Nguyễn Cao Trí, mà họ còn bắt cóc rất nhiều người khác, cả trong và ngoài nước. Tất cả những vụ bắt cóc này đều theo kịch bản, âm thầm bắt, có thể bắt tại nhà hoặc chặn bắt ngoài đường, sau một thời gian thẩm vấn, thu thập thông tin, rồi mới công bố lệnh bắt với báo chí.

Trường hợp của nhà báo Huy Đức rất có khả năng cũng theo những kịch bản như thế này.

Hiện nay, Tô Lâm đang củng cố quyền lực ở thượng tầng. Chế độ này vốn đã lưu manh hóa lực lượng công an từ lâu, tuy nhiên, với việc Tô Lâm lên nắm quyền, thì mức độ lưu manh hóa còn kinh khủng hơn nữa. Mức độ của sự lạm quyền, chà đạp nhân phẩm người dân sẽ còn cao hơn, nhất là việc bắt cóc sẽ càng trở nên phổ biến hơn. Đây chính là cách làm ưa thích của những tên độc tài khát máu, khét tiếng trên thế giới.

Thượng tầng chính trị vẫn đang đấu đá, chưa ngã ngũ. Phe Tô Lâm chưa hoàn toàn làm chủ được cuộc chơi. Nhưng một khi, phe Tô Lâm hoàn toàn thắng thế, nắm chắc Bộ Công an, thì xem như, Tô Lâm sẽ nắm được quyền lực tuyệt đối. Lúc đó, trò chơi bắt bớ tùy tiện sẽ được triển khai theo ý của Tô Lâm. Lúc đó, nhà nước này sẽ biến thành nhà nước khủng bố.

Tô Lâm đang dọn đường để tiến đến chiếc ghế quyền lực nhất trong Đảng, bằng bạo lực. Bạo lực với người dân, bạo lực với những ý kiến trái chiều, và bạo lực cả với “đồng chí” của ông. Có khả năng, một thời kỳ loạn lạc sẽ bắt đầu, với một lực lượng kiêu binh mới lên ngôi.

Ở thời điểm này, dù chưa nắm được quyền lực tuyệt đối, mà quân của Tô Lâm đã cho thấy sự lưu manh hóa một cách rõ rệt. Không biết, khi nắm trọn quyền lực trong tay, thì lực lượng được mệnh danh là “chấp pháp” sẽ còn lưu manh tới mức nào.

Vụ bắt giữ một cách âm thầm đối với nhà báo Huy Đức, được coi là hồi chuông cảnh báo cho những ngòi bút phản biện. Sẽ không có ai an toàn, dù có hiểu biết rõ về luật pháp và thái độ ôn hòa. Ở một đất nước mà luật pháp không được nhà cầm quyền coi trọng, thì làm nghề viết, nhất là viết về vấn đề chính trị nhạy cảm, là một nghề nguy hiểm.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de